Biển, Hải đảo Việt Nam - Tiềm năng - Cơ hội - Thách thức - Tầm nhìn

Th04 04, 2025 02:43 AM

Tầm nhìn

 

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung Đảng Khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2023 về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó đề ra:

 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

“Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản, đường di cư của các loài thủy sản, các khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.

Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật”.

 

Tầm nhìn đến năm 2050:

“Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên”.

 

Tiềm năng - Cơ hội - Thách thức

 

Thế giới xem thế kỷ XXI là “Thế kỷ của đại dương” với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Quy mô kinh tế biển, đảo đang có sự thay đổi, việc phát triển các khu kinh tế ven biển đã tạo ra các “cực phát triển” mới cho nhiều quốc gia.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả. Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. 

Dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông. 

Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập...

Và do đó, vấn đề hiện nay là làm sao có thể tận dụng tốt nhất các tiềm năng, cơ hội và vượt qua các thách thức không nhỏ trước mắt để vừa phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và giữ gìn môi trường biển cho các thế hệ mai sau.

 

Kết nối và Chia sẻ Tài nguyên Dữ liệu Biển Việt Nam

 

Thông qua Website Biển Việt Nam, chúng tôi mong muốn kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên dữ liệu biển, đảo Việt Nam, xây dựng nên một diễn đàn trao đổi thông tin rộng mở, giúp người dùng tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi lớn sau:

 

  • Cụ thể các tiềm năng của biển và hải đảo Việt Nam như thế nào? Chúng ta đã làm gì để đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng?

  • Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của chúng ta đã và đang thực hiện như thế nào?

  • Những bước tiến để khoa học và công nghệ biển trở thành một động lực, một nhiệm vụ quan trọng và mang tính đột phá trong việc thực hiện các Chiến lược biển 2020 và 2030 đang được thực hiện như thế nào?

  • Việt Nam có không gian văn hóa vùng biển, đảo rộng lớn, đa dạng và do đó việc tăng cường hợp tác trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái tiêu biểu ở vùng ven biển và hải đảo phục vụ phát triển du lịch biển; quảng bá thương hiệu biển Việt Nam tới quốc tế... đã được quan tâm đẩy mạnh như thế nào?

  • Việc thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật đang được triển khai như thế nào?

 

Về chúng tôi

 

Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia (VODIC) trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan hàng đầu của quốc gia về dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chúng tôi đang quản lý một trong những kho lưu trữ lớn nhất về công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

VODIC đang đóng góp vào tầm nhìn “Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên” bằng cách phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cho phép “Kết nối và Chia sẻ Tài nguyên Dữ liệu Biển Việt Nam” ngày càng tốt hơn.